Trà Vinh là tỉnh có nền ẩm thực giao thoa của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Ngoài bún nước lèo, bánh canh Bến Có hay mắm bò hóc, du khách đến thăm vùng đất này còn dễ bị quyến rũ bởi bún suông, một trong 10 đặc sản của Việt Nam mang giá trị ẩm thực châu Á. Bún suông, cái tên nghe qua có vẻ hơi lạ lẫm, nhưng bạn sẽ bị gây nghiện sau khi đã thử món bún này. Bún suông với hương vị thơm ngon, nước dùng ngọt thanh, hấp dẫn thực khách bằng hương vị rất riêng và độc đáo. Tô bún suông ngọt lịm phảng phất hương vị quê hương bình dị khó quên.
Tên gọi lạ này bắt nguồn từ đâu?
Ai chưa từng thưởng thức món bún suông thường chỉ hình dung đó là một loại bún ăn suông đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là không rau, không thịt, không gia vị. Vì thế khi tô bún dọn ra nghi ngút khói và cực bắt mắt với những cọng bún nhỏ, miếng chả cá chiên to bản, chả tôm, nước dùng trong veo điểm xuyết màu vàng ươm, béo ngậy của gạch tôm, hầu hết thực khách đều ngạc nhiên.
Bún suông còn được gọi là bún đuông. Món ăn có xuất xứ từ Trà Vinh. Theo bà con ở đây thì tên gọi loại bún này bắt nguồn từ nguyên liệu được chế biến ăn kèm với bún. Những con tôm đất được quết, giã nhuyễn, nêm nếm vừa ăn. Rồi nắn thành sợi dài đem hấp chín, hoặc chiên trong chảo dầu cho vàng, giòn. Và mọi người gọi đó là suông. Đây cũng là cách Việt hóa một tiếng Khmer dùng chỉ con tôm đất. Nhưng cũng có người lại giải thích rằng suông là cách nói trại đi của từ “đuôn”. Bởi hình dáng cọng chả tôm đất nhìn cũng hao hao ấu trùng của loài bọ cánh cứng chuyên cắn phá dừa, dừa nước.
Điều đặc biệt của bún suông
Bún suông với thành phần chính là bún, tôm và thịt ba chỉ. Đặc biệt phần hồn cốt của món ăn nằm trong những con tôm được nặn thành miếng chả dài. Khi chả tôm đã thả hết vào nồi, sẽ được đun thêm 5 – 10 phút. Cho đến khi nổi trên bề mặt nước và chuyển màu vàng ươm, ấy cũng là lúc đã chín hẳn. Để chả thêm ngon, người ta thường phải lựa những con tôm tươi và mập mạp.
Tôm được đem về rửa sạch, cắt đầu đuôi và bóc vỏ. Tỏi, hành khô bóc vỏ băm nhuyễn sẽ được cho cùng tôm vào máy để xay. Đến khi tất cả hòa quyện vào nhau tạo thành hỗn hợp sánh mịn. Lấy phần tôm trên thêm vào chút gia vị và màu dầu điều để tạo sắc vàng bắt mắt. Từng miếng chả tôm thon dài, suông đuột trông lạ mắt như quấn lấy sợi bún.
Sự hấp dẫn của món này chính là nước lèo mang đậm chất Trà Vinh. Nước lèo không trong mà có màu nâu đậm, bởi được thêm một ít me và tương hạt. Vừa tạo nên vị ngọt thanh lại vừa thoang thoảng hương thơm của tương rất hấp dẫn. Nguyên liệu ngập trong nước dùng chua ngọt khiến thực khách hài lòng khi thưởng thức. Để tô bún thêm hài hòa, người dân Trà Vinh còn có thể cho thêm vài lát thịt ba chỉ luộc, giá trụng, rau xà lách và ăn kèm bắp cải trắng bào sợi. Chén nước chấm là hỗn hợp của tương xay và ớt xay. Tô bún suông ngọt lịm phảng phất mùi vị tôm đất tỏa ra làm cho người thưởng thức ngất ngây. Như thả hồn về với quê hương bình dị mà thân thiết, đậm đà tình nghĩa.
Bài Viết Tương Tự
Hồ Ngọc Hà chăm con vẫn không quên hỗ trợ thiết bị y tế cho Bắc Giang
Hủ tiếu Mỹ Tho: món ăn mang đậm hương vị Nam Bộ
Top 5 món ngon truyền thống nổi tiếng của đất nước Ai Cập