Vùng Lập Thạch (Vĩnh Phúc) thường có mùa nước ngập, nên thủy sản nước ngọt rất phong phú, nhất là cá. Với lợi thế này, người dân Lập Thạch đã mang đến cho du khách một món ăn độc đáo: Cá thính- một đặc sản của Lập Thạch. Vị chua ngọt, béo ngậy của cá có thể làm hài lòng bất kỳ thực khách khó tính nào. Từ một món ăn dân dã, cá thính Lập Thạch đã từng bước ghi tên mình vào danh sách những món ăn thơm ngon, khó quên, hấp dẫn. Nếu ai đã từng một lần nếm qua thì không thể nào quên được hương vị của món cá này. Vị cá quyện trên đầu lưỡi, tan trong hương thơm béo ngậy của món cá thính nướng vàng ruộm khiến bạn nôn nao nhớ mãi không quên.
Ra đời từ nghèo khó
Ngon lạ là thế, ít ai biết món cá thính xuất nguồn từ đời sống nông dân bần hàn. Mùa cấy lúa chiêm, khi đầm hồ cạn nước, cá xuất hiện nhiều nên không thể ăn hết ngay. Ngày ấy đến điện còn hiếm, làm sao có tủ lạnh để bảo quản cá. Từ khó khăn ấy, người dân nghĩ cách muối chua cá để ăn lâu dài qua mùa vụ mới. Chẳng ai ngờ cá muối lên vừa chua ngọt vừa béo ngậy, thơm ngon lạ kỳ. Thật chẳng ngoa khi nói cá thính là kết tinh của thiên nhiên trù phú và công sức lao động vất vả mà nên.
Cá thính (còn gọi là cá muối chua) là một món ăn độc đáo. Những nguyên liệu của món cũng rất dễ kiếm, cá và thính là hai nguyên liệu chính. Nguyên liệu làm món cá thính chua đơn giản nhưng công đoạn hết sức công phu và cầu kỳ. Có rất nhiều loại cá để làm cá thính như: cá mương, cá nẹp, cá riếc, cá rô ta, rô phi, cá chép, cá mè, cá quả… Nhưng có lẽ làm từ cá quả là ngon hơn cả. Muốn cá thính thơm ngon hơn, khi ướp thính cho cá ta cho thêm vài lá ổi vào cùng. Sau một thời gian, lấy cá ra cạo sạch thính cũ và cho thính mới vào. Cá thường để trong vòng khoảng 6 tháng mới ngấm thính và lên chua khi đó ăn mới ngon.
Cá thính Lập Thạch ngon lành từ sự dân dã
Có thể chế biến cá thính chua thành nhiều món nhưng ngon nhất là đem nướng trên than hoa hoặc rán dầu. Cá Thính rán dậy mùi thơm ngậy, beo béo. Mùi thơm của lớp thính vàng quyện với vị chua của thịt cá cũng tạo nên hương vị rất riêng. Món cá thính đạt chuẩn khi gỡ có thịt đỏ au hoặc màu hổ phách. Từng thớ thịt thấm đẫm vị thơm, chua ngọt, béo ngậy và đậm vị muối là hoàn hảo. Cá chỉ ngon khi được nướng trên than hồng, nguyên vị mà không bị cứng. Không nên chiên cá thính vì dầu mỡ sẽ khiến miếng cá không còn dai và đậm đà nữa.
Mâm cơm của người Vĩnh Phúc những ngày mùa vụ xưa không thế thiếu dĩa cá thính. Vị chua ngọt rất đưa cơm, ngày thường hay lễ tết đều phù hợp. Mùa đông, tuyệt vời sao khi cả nhà được quây quần bên mâm cơm có món cá thính nóng hổi, dai ngọt. Cá thính kết hợp ăn khớp với rất nhiều món ăn thường ngày. Chẳng những vậy, vài miếng cá thính nướng giòn dai nhấm nháp với chút rượu đế nồng nàn mới thật hoàn hảo.
Khách tới nhà, người dân đất Bắc dọn ra bữa cơm có món cá thính đặc sản Lập Thạch thì quả là quý hoá. Cá ăn hết, thính sót lại trong hũ cá đem rang với mỡ ăn cũng rất ngon. Cá thính dễ làm dễ ăn – với hương vị chua chua mặn thơm là món ăn dân dã trong bữa ăn đạm bạc của người dân quê và là món ăn đặc sản làm quà biếu cho những người khách xa về.
Bài Viết Tương Tự
Hồ Ngọc Hà chăm con vẫn không quên hỗ trợ thiết bị y tế cho Bắc Giang
Hủ tiếu Mỹ Tho: món ăn mang đậm hương vị Nam Bộ
Top 5 món ngon truyền thống nổi tiếng của đất nước Ai Cập